“Xanh hóa” – hướng đi tất yếu của dệt may

Dệt may là mặt hàng thiết yếu, là sản phẩm thông dụng được sử dụng nhiều. Chính vì thế, dệt may được xác định là ngành phát thải thuộc top 5 thế giới. Số lượng quần áo, đặc biệt là thời trang nhanh fast fashion dùng trong thời gian ngắn và bỏ đi tạo ra một lượng rác thải rất lớn. Các quốc gia phát triển đều đặt dệt may vào trọng tâm của chương trình giảm phát thải, coi giảm phát thải dệt may là một trong những mục tiêu cần sớm thực hiện.

Tạo lợi thế trong chuỗi cung ứng

Các hãng thời trang lớn trên thế giới với trách nhiệm xã hội của mình đều hưng ứng chương trình giảm phát thải, đặt mục tiêu cho giai đoạn 2025 – 2030 và cùng hướng đến mục tiêu không có phát thải carbon đến năm 2050. Từ H&M, Levis, Uniqlo, Zara đều có những mục tiêu của riêng mình. Đến năm 2025, H&M mong muốn 30% nguyên liệu sử dụng cho các sản phẩm của mình có nguồn nguyên liệu tái chế, tới năm 2030 nâng lên đến 50%. Nhiều hãng thời trang thực hiện rất quyết liệt, như Adidas đặt mục tiêu sớm có tới một nửa sản phẩm đến năm 2030 đi từ các nguyên liệu tái chế. Nguồn nguyên liệu tái chế bắt đầu xuất hiện xu hướng không chỉ tái chế một lần, mà sau lần 1 được tái chế, các lần sau sẽ tiếp tục được tái chế như thế nào. Kinh tế tuần hoàn, sản phẩm dệt may tuần hoàn và tuần hoàn trong ngành dệt may trở thành mục tiêu dài hạn mà các hãng dệt may đang đặt ra.

Tại thời điểm hiện nay, chưa có những quy định pháp lý cho các sản phẩm dệt may phải có tỷ lệ bao nhiêu là sản phẩm tái chế, tuần hoàn, bao nhiêu là năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, một khi là xu thế, lộ trình thế giới đã đặt ra thì sẽ có những chỉ tiêu, mục tiêu, quy định trong tiêu chuẩn sẽ được luật hoá, trước hết là ở các quốc gia phát triển, họ sẽ luật hoá những tỷ lệ này. Vì vậy, cả người mua hàng và nhà sản xuất đều đang cùng nhau trong quá trình chuẩn bị, để đến khi các tiêu chuẩn này được luật hoá thì chuỗi cung ứng không bị gián đoạn, đứt gãy. Quá trình chuẩn bị này, người mua hàng đặt những tiêu chuẩn trên thành các mục tiêu ưu tiên. Ví dụ, nếu anh sản xuất được các mặt hàng sợi, có sử dụng nguồn năng lượng là năng lượng tái tạo từ 18-20% thì anh được ưu tiên và trở thành nhà cung cấp chủ lực. Trong quan điểm của chuỗi cung ứng toàn cầu, họ có danh mục các nhà cung cấp ưu tiên. Các nhà cung cấp ưu tiên thoả mãn càng nhiều các định hướng về môi trường, sản xuất xanh và tái chế hay tuần hoàn thì càng có thứ hạng cao. Đó là cách thức chuỗi cung ứng hiện nay đang áp dụng để khuyến khích các nhà sản xuất từng bước chuyển đổi, hướng tới sản xuất xanh và đáp ứng zero phát thải vào năm 2050.

Chúng ta hiểu, thị trường dệt may biến động khá lớn. Do vậy, muốn sản xuất ổn định thì phải có vị trí ưu tiên trong chuỗi cung ứng. Các chuỗi cung ứng luôn được thiết kế với 70% các sản phẩm dài hạn, cố định. Cốt lõi trong kinh doanh của họ là đặt hàng các nhà cung ứng ưu tiên. Phần thay đổi của thị trường, phần thị trường tăng giảm có thể làm ở các nhà cung cấp ngoài danh sách ưu tiên nhưng vẫn đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, muốn có quá trình sản xuất ổn định, không bấp bênh thì phải có được vị trí ưu tiên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi thị trường có biến động như giai đoạn Covid-19, những khủng hoảng địa chính trị, lạm phát, lãi suất tăng như vừa qua, nhu cầu của thị trường dệt may thế giới co rút đột ngột thì biến động này không ảnh hưởng đến toàn bộ doanh nghiệp như nhau mà nó có sự khác biệt rất lớn. Những doanh nghiệp nằm ở vị trí ưu tiên trong chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng rất nhỏ, giữ sản xuất ổn định. Trong khi đó, doanh nghiệp nằm ngoài thứ tự ưu tiên có thể mất 50-80% đơn hàng đang có. Việc phấn đấu trở thành nhà cung cấp, nhà sản xuất có thứ tự ưu tiên của các chuỗi cung ứng toàn cầu có thể nói là chiến lược để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Thêm đó, yếu tố “xanh” không còn là lựa chọn mà đang dần được luật hóa tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của dệt may Việt Nam, cụ thể như EU. Năm nay, EU đã đưa ra một số đề xuất trong thỏa thuận xanh, trong đó có chiến lược phát triển bền vững, tuần hoàn cho dệt may và yêu cầu về tiêu chuẩn xanh cho sản phẩm may mặc xuất sang thị trường này. Tới đây, ngành thời trang sẽ phải cụ thể hoá những tiêu chuẩn này. Nếu trước đây, các tiêu chuẩn này chỉ liên quan đến hoá chất, thuốc nhuộm được sử dụng trên nền tảng vải, thì giờ đây còn yêu cầu bao nhiêu % là từ nguyên liệu tái chế, bao nhiêu % có thể tuần hoàn, tuổi thọ của sản phẩm này có dài hay không…?

4 trụ cột của sản xuất Xanh

Trong nguyên tắc của sản xuất xanh dựa trên 4 trụ cột chính. Thứ nhất là sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Thứ hai là hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo trên một đơn vị sản phẩm tạo ra càng ngày phải càng sử dụng ít năng lượng. Thứ ba là sử dụng các nguồn nguyên liệu tái chế, tuần hoàn, xanh, tự nhiên. Thứ tư là môi trường làm việc phải đảm bảo các yếu tố xanh và người lao động. Hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí của các thị trường sau này chắc chắn sẽ được gây dựng trên cơ sở các trụ cột của sản xuất xanh. Doanh nghiệp lúc này là pass (vượt qua) hoặc fail (thất bại). Chúng ta vào được hoặc là không vào được.

Trong thực tế 3 năm vừa qua, thị trường dệt may thế giới có sự sụt giảm về tổng cầu do kinh tế, dịch bệnh. Năm 2022, tuy dịch bệnh không còn hoành hành nhưng tổng cầu dệt may vẫn sụt giảm khoảng 5% do xung đột địa chính trị, mặc dù khắc phục được sự đứt gãy logistics, phí vận chuyển cũng giảm nhưng cầu không phục hồi do tâm lý tiêu dùng ở các thị trường chính rất kém do lạm phát lên cao, lãi suất lên cao.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, cả 5 nước xuất khẩu dệt may thuộc top đầu đều chứng kiến sự sụt giảm về kim ngạch, chỉ trừ một quốc gia lại tiếp tục có sự tăng trưởng tốt là Bangladesh trong khi Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ đều sụt giảm so với năm 2021. Thậm chí, Ấn Độ và Trung Quốc giảm đến 2 con số so với tháng 11/2021. Bangladesh xoay chiều lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu với giá trị lên đến 4,6 tỷ USD trong tháng 11 vừa qua, dù trước đó, họ chỉ loanh quanh 3,6 đến 3,7 tỷ USD/tháng.

Giải thích cho thắng lợi này, một cách hoàn toàn chính xác thì khó, tuy nhiên, có những dấu hiệu chúng ta phải xem xét để nhìn nhận có phải những yếu tố đó làm cho 2 năm qua, Bangladesh có sự bứt phá rất tốt về thị phần, thị trường? Đó là, từ trước đến nay, Bangladesh được tính đến là một quốc gia sản xuất với giá rẻ do lực lượng lao động dồi dào, 155 triệu dân trên một diện tích hẹp, chỉ bằng 1/3 Việt Nam, với một nền sản xuất không được sạch đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh, không được đảm bảo trách nhiệm xã hội. Nhưng đó là câu chuyện cách đây 5 năm. Từ năm 2018, Bangladesh đầu tư số tiền rất lớn vào việc đầu tư, phát triển. Và họ đã chọn một con đường phát huy triệt để lợi thế của người đi sau, tập trung đầu tư ngay theo hình thức tốt nhất, hiện đại nhất, sạch đẹp nhất, đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất, chứ không tiệm tiến cải thiện từng bước. Chính vì vậy, tính đến 2022, tại đây có khoảng 85 – 90% nhà máy may đạt tiêu chuẩn LEED Platinum tức là tiêu chuẩn sản xuất xanh cao nhất của Mỹ do hiệp hội các nhà đầu tư xây dựng Mỹ đặt ra. Bangladesh còn có 500 nhà máy may khác đang chờ đợi để được đánh giá đạt tiêu chuẩn LEED. Có lẽ cùng với việc ổn định lao động, nâng cao chất lượng, năng suất, trong khi vẫn khai thác triệt để lợi thế chi phí lao động rẻ, đồng Bangladesh phá giá sâu trong năm 2022 làm cho họ duy trì được đà tăng trưởng. Đây cũng là một bài học.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Việc lên thứ 2, hay xuống thứ 3 của Việt Nam thực ra nó không quan trọng bằng việc chúng ta còn những lợi thế cạnh tranh nào có thể phát huy. Những lợi thế cạnh tranh nào trong quá khứ đã bị các đối thủ khác bắt kịp, thậm chí vượt lên. Và như vậy, chúng ta cũng phải đi vào một chu kì mới của việc xây dựng các năng lực cạnh tranh mới, để có thể đảm bảo dệt may Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Các nhà máy platinum của Việt Nam chủ yếu nằm ở khu vực FDI, hoặc các nhà máy Việt Nam quy mô lớn như Việt Tiến. Xét trên diện rộng, không có con số thống kê cụ thể. Chúng ta hiện có khoảng 13.000 doanh nghiệp dệt may với hơn 50.000 nhà máy trên cả nước. Có lẽ, chỉ nằm dưới 10% các nhà máy đạt tiêu chuẩn LEED. Đây cũng là một thách thức, khi làm theo LEED, có rất nhiều yếu tố phải đầu tư về mặt tài chính trong đó như diện tích nhà máy, khu vực phụ trợ, diện tích mái sử dụng năng lượng mặt trời, lượng khí tươi, tỷ lệ cây xanh phải có cho một người lao động trong 1 khuôn viên nhà máy, từng màu sơn chất liệu như thế nào để người lao động không bị áp lực tâm lý sau 8-9 tiếng làm việc… Đây là một tiêu chuẩn rất chi li và nó không chỉ bao gồm các tiêu chí về an toàn trong sản xuất, mà cả những yếu tố về tâm lý người lao động để giúp họ có một buổi làm việc thoải mái hơn. Nó là cả một bài toán cần cân nhắc giữa khả năng tài chính và thực tế hoạt động của các nhà máy hiện tại. Bởi vì với các nhà máy đang tồn tại, chúng ta vẫn phải hoạt động, có đơn hàng, phải trả lương cho người lao động, không thể dừng lại hoàn toàn để thay thế cho nó đạt tiêu chuẩn LEED. Và vì thế, chúng ta phải chấp nhận con đường dịch chuyển ngành may khá lớn như ở Việt Nam trong một lộ trình 5-10 năm. Trong đó, đầu tư mới thì phải đầu tư theo tiêu chuẩn LEED, thay thế máy cũ khi đã hết khấu hao thì vừa thay máy, vừa chỉnh trang để đạt tiêu chuẩn LEED. Còn lại, chắc chắn chúng ta vẫn có những nhà máy mới đầu tư 4-5 năm trở lại đây, vẫn còn phải khấu hao 5-7 năm nữa nên nó sẽ phải tồn tại ở trạng thái chưa đạt tiêu chuẩn.

Quá trình này cũng giống như chuyển đổi số của doanh nghiệp. Đơn vị của chuyển đổi là một thập kỷ, chứ không thể nào ngắn hơn. Chúng ta cũng nhìn thấy xu thế của các quốc gia trên thế giới là xây dựng luật, yêu cầu bắt buộc, cũng mất lộ trình 10 – 20 năm. Đó là lý do tại sao COP27, mục tiêu đến tận 2050, các hãng thời trang cũng đặt mục tiêu đến 2030, tức là 10 năm. Đó là khoảng thời gian được tính toán để tất cả các bên có đủ điều kiện, nếu quyết tâm cao có thể đạt được yêu cầu này.

Đây là một bài toán không phải chỉ của người quản lý doanh nghiệp, mà cả với cổ đông và quản lý nhà nước để cùng chia sẻ lộ trình này. Thực tế, khi sản xuất xanh, sử dụng tái chế và kinh tế tuần hoàn thì thế giới này tiết kiệm một phần rất lớn nguồn lực xử lý rác thải, chôn lấp rác thải. Trước giờ chi phí này được khu vực công thực hiện, lấy từ thuế của người dân, ngân sách của nhà nước. Nay nếu doanh nghiệp chủ động chuyển đổi, sự chuyển đổi này sẽ đem lại lợi ích cho xã hội về mặt tài chính. Nhưng doanh nghiệp chưa nhìn thấy cơ chế nào để chia sẻ lại lợi ích từ việc tiết kiệm cho xã hội thì doanh nghiệp được cái gì, doanh nghiệp có được giảm thuế không, doanh nghiệp có được hỗ trợ nguồn vốn để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh hay không…

Thực tế, việc đầu tư này giảm lợi ích trong ngắn hạn để doanh nghiệp tồn tại trong dài hạn. Nếu không chuyển đổi, thu lợi nhuận triệt để trong giai đoạn này thì 5 đến 10 năm nữa, khi các tiêu chuẩn, tiêu chí trở thành luật hoá, sản phẩm của ta sẽ không còn đứng trên thị trường, không xuất khẩu được, tức là chúng ta khó tồn tại. Đây là việc các lãnh đạo doanh nghiệp phải tính đến. Muốn phát triển bền vững trong nhiều chục năm tiếp theo thì dứt khoát phải có sự đầu tư hi sinh cho sản xuất Xanh, bền vững ngay từ lúc này./.

Bài: Ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vinatex

Nguồn: Tập Đoàn Dệt May Việt Nam