Doanh nghiệp duy trì “sức chịu đựng” để trở lại bền vững trong dài hạn

Nền kinh tế vẫn đang chịu tác động mạnh mẽ trước những yếu tố mang tính đột biến và không lường trước được, tín hiệu tốt cho sự khôi phục của thị trường dệt may còn ở khá xa. Doanh nghiệp chịu không ít va đập trong những tháng đầu năm, lo toan “chèo lái” tìm mọi giải pháp tăng sức chống chọi khi có quá nhiều khó khăn bủa vây. Thực tế, doanh nghiệp không phải đang đối mặt với cú sốc ngắn hạn để có thể sớm vượt qua và quay trở lại đà tăng trưởng cao. Thay vào đó, những khó khăn đến từ cả bên trong và bên ngoài cộng hưởng có thể còn gây ra những tác động bất lợi cho ngành dệt may Việt Nam trong nhiều năm tới, đòi hỏi 5 tháng cuối năm 2023, doanh nghiệp dệt may phải tiếp tục duy trì sức chịu đựng, linh hoạt giải quyết nhanh các yêu cầu mới của thực tiễn để vững vàng đón sóng thị trường. Tinh thần đoàn kết- tự lực- tự cường- sáng tạo tiếp tục được nhân lên để bức tường thành Vinatex tiếp tục vượt qua thách thức, thể hiện bản lĩnh trong chiến lược phát triển.

Vượt bẫy doanh nghiệp trung bình

Báo cáo sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của doanh nghiệp thuộc hệ thống Vinatex cho thấy các đơn vị đều có mức suy giảm doanh thu trên 10% và suy giảm lợi nhuận trên 25%… Trong đó, chủ yếu giảm hiệu quả do với đơn giá hiện nay thì thu nhập người lao động chỉ đạt gần 7 triệu đồng/người/tháng nhưng các doanh nghiệp trong Tập đoàn vẫn duy trì mức thu nhập trên 9 triệu đồng/người/tháng, tuy giảm 7% so với năm 2022 nhưng doanh nghiệp đã bù thêm thu nhập cho người lao động gần 600 tỷ đồng. Nhờ đó đảm bảo an sinh, việc làm cho gần 65.000 lao động trong toàn hệ thống.

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay đã xuất hiện nhóm 4-5 đơn vị chủ yếu trong ngành sợi rơi vào tình trạng báo động về tài chính và sản xuất kinh doanh, làm gia tăng áp lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2023. Khối lượng công việc xử lý ngày càng nhiều và nặng nề hơn khi vừa phải giải quyết những khó khăn kéo dài vừa phải ứng phó với các vấn đề bất ngờ phát sinh trong những tháng cuối năm 2023.

Nhìn dưới góc độ khách quan, các điểm nghẽn như tình trạng chi phí tăng cao do lạm phát tăng; chậm hoàn thuế; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia chững lại; tiếp cận vốn vay khó; tổng cầu dệt may sụt giảm… tạo rào cản cho sự ứng phó của doanh nghiệp dệt may vốn đang gặp rất nhiều thách thức.

Tuy nhiên, dưới lăng kính soi chiếu vào nội tại mỗi doanh nghiệp trong hệ thống cho thấy các đơn vị trung bình (về năng suất, chất lượng, giá thành) sẽ không có khả năng cạnh tranh và tồn tại. Do vậy, phải tập trung mọi giải pháp nhanh chóng vượt qua bẫy trung bình tại các doanh nghiệp.

Cũng trong khó khăn và diễn biến bất định của thị trường cho thấy sản xuất giỏi chưa đủ nếu con đường đi không rõ. Với lương và thu nhập của người lao động ngày càng cao, doanh nghiệp không còn trông đợi được vào dư địa từ tiết kiệm chi lương, không khỏa lấp được khó khăn thực tại. Chỉ còn cách duy nhất là linh hoạt tìm hướng đi phù hợp, giải quyết khó khăn trước mắt để tính bước tiến trong tương lai.

Thực tế, trong khó khăn chung, vẫn có doanh nghiệp dệt may đầy tải, dồi dào đơn hàng, mở rộng quy mô sản xuất, đạt doanh thu CM 900 – 1000 USD/người/tháng… Trong khi nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng ăn đong đơn hàng, cầm cự để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Khoảng cách về hiệu quả quản trị, tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp trong hệ thống càng được soi tỏ trong diễn biến thách thức, phức tạp của thị trường. Sự sống còn của doanh nghiệp không có chỗ cho sự chậm trễ, thiếu quyết đoán, quyết tâm đổi mới.

Từ nay đến hết năm, dự báo dệt may sẽ vẫn rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, khách hàng có nhiều yêu cầu mới, cao hơn, thời gian giao hàng gấp, đơn hàng nhỏ lẻ, kéo dài thời gian thanh toán… Giải pháp đặt ra với doanh nghiệp cần quyết liệt, thậm chí trong trường hợp cần thiết phải tính đến “bước lùi chiến thuật” trong tái cấu trúc doanh nghiệp với những bước đi có tính toán trong ngắn hạn và trung hạn.

Đối với ngành May, doanh nghiệp cần linh hoạt, chủ động tìm kiếm, đa dạng thị trường, đặc biệt các thị trường ngách, không phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, một vài khách hàng. Nghiên cứu mô hình nhà máy may linh hoạt, phục vụ sản phẩm mang tính cá biệt hóa, nâng cao năng lực đáp ứng các đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu giao hàng nhanh, giá thấp. Tận dụng ưu thế số hóa trong quản trị sản xuất để có cơ sở dữ liệu đáng tin cậy, hỗ trợ việc ra quyết định nhanh cũng như cung cấp được thông tin hữu ích cho khách hàng. Đẩy mạnh đầu tư chiều sâu và thiết bị tự động hóa, công cụ quản trị số để giảm dần sự phụ thuộc vào lao động, xác định đối tượng nhân lực ưu tiên làm nòng cốt tại từng dây chuyền, nhà máy để có cơ chế đãi ngộ phù hợp…

Ứng phó với khó khăn trong ngắn hạn nhưng doanh nghiệp May vẫn cần “định vị” bước đi trong trung và dài hạn, đó là kiên định mục tiêu gia nhập chuỗi cung ứng dệt may quốc tế và tăng tốc thích ứng các tiêu chuẩn dệt may tuần hoàn.

Đối với ngành Sợi- Dệt- Nhuộm, giải pháp trước mắt là tiếp tục tối ưu hóa chi phí sản xuất nhất là quá trình mua bông. Phát huy cao hơn hệ thống quản trị số, phần mềm quản trị sợi, thu thập dữ liệu để có cơ sở đối sánh giữa các đơn vị. Phát triển sản phẩm mới trên nền công nghệ hiện có và đầu tư nhỏ vào khâu cải thiện hiệu suất giá thành, thu hẹp khu vực mất năng lực cạnh tranh. Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm đặc thù, sản phẩm khác biệt. Về lâu dài, các doanh nghiệp trong khu vực này cũng cần đẩy mạnh tìm kiếm một số đối tác chiến lược có thể đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp.

Xác định mục tiêu phát triển phù hợp

Sau diễn biến kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, các tổ chức kinh tế lớn như World Bank, IMF mới đây đã có những điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới.

Tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 được điều chỉnh dự báo tăng 0,2%-0,4% so với các báo cáo đưa ra tháng 1 và tháng 4, quanh mức 2,1% đến 3%. Tuy nhiên dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 giữ nguyên hoặc hạ so với các dự báo trước đây khoảng 0,3%, quanh mức 2,4% – 3%, cũng chỉ ngang bằng mức tăng trưởng GDP của năm 2023 và đều thấp hơn mức tăng trưởng 3,1% của năm 2021. Trong đó, tăng trưởng GDP của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc năm 2024 được dự báo thấp hơn năm 2023, cụ thể dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2023-2024 lần lượt là 1,8% và 1%, GDP Trung Quốc năm 2023-2024 lần lượt là 5,5% và 4,5%. Ngoại trừ EU dự báo ngược lại, do tăng trưởng GDP năm 2023 được dự báo ở mức thấp 0,9%, tăng lên 1,5% vào năm 2024 nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trước dịch Covid-19 ở mức trên 2%. Bất chấp chu kỳ tăng lãi suất toàn cầu nhanh và mạnh nhất trong bốn thập kỷ, lạm phát vẫn ở mức cao, thậm chí đến cuối năm 2024, lạm phát vẫn nằm trên lạm phát mục tiêu của hầu hết các Ngân hàng Trung ương. Chi phí đi vay gia tăng ở các nền kinh tế phát triển có thể dẫn đến sự xáo trộn tài chính ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dễ bị tổn thương hơn.

Rõ ràng, vẫn chưa có được dự báo khả quan cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024. Tình trạng cầu thấp của năm 2023 có thể còn kéo dài sang năm 2024, 6 tháng cuối năm chưa có động lực tăng, thị trường theo đó sẽ vẫn diễn biến phức tạp, nhiều biến động đòi hỏi giám sát từng ngày, từng giờ để điều chỉnh, bởi nó không phải là thị trường bình đẳng, theo quy luật thị trường để mà chúng ta nói rằng sẽ hoàn thành bao nhiêu tỷ USD xuất khẩu. Lúc này, kim ngạch xuất khẩu là một chỉ tiêu mang tính định hướng. Quan trọng nhất là doanh nghiệp làm xuất khẩu vẫn duy trì được hiệu quả, hay ít nhất là không thua lỗ để duy trì sức chịu đựng trong dài hạn. Đây chính là bối cảnh ngành dệt may tiếp tục phải đối mặt.

Đáng lưu ý, trong thời điểm này doanh nghiệp sẽ nhìn vào tín hiệu từ kinh tế vĩ mô để cân nhắc, quyết định kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho năm tới. Trong bối cảnh đó, Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình, kết quả phát triển kinh tế-thị trường sáu tháng đầu năm, dự báo tình hình cả năm 2023; từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch phù hợp.

Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh nền kinh tế phải chịu tác động nặng nề từ hậu quả của đại dịch Covid-19, khủng hoảng địa chính trị- kinh tế toàn cầu… Các mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra phải mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, phù hợp khả năng vận hành của doanh nghiệp gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm quyết tâm vượt khó, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất. Chúng ta vẫn có hy vọng đạt được mục tiêu, tuy nhiên cần kiểm soát chặt tình hình và nhận diện rõ thách thức nội tại để đảm bảo hiệu quả.

Chúng ta không thể chỉ nhìn vào những tác động khách quan do tổng cầu sụt giảm, thiếu đơn hàng, đơn giá giảm… để trả lời cho bài toán kinh doanh kém hiệu quả. Trong tình hình cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, doanh nghiệp không thể đứng chờ thị trường sáng ấm lên, tổng cầu tăng trở lại để khôi phục sản xuất kinh doanh mà cần có cái nhìn về một chiến lược phát triển bền vững, có sự chuẩn bị nghiêm túc, khoa học cả về nguồn lực tài chính và nhân lực, vật lực…

Bản lĩnh doanh nghiệp dệt may lúc này là vượt qua bẫy trung bình của chính mình, phải vươn lên mức khá, đảm bảo năng suất, giá thành sản xuất, năng lực cạnh tranh thì mới tiếp tục tồn tại được trong thời điểm khó khăn, đồng thời có thể vững vàng chớp lấy cơ hội khi thị trường xoay chiều theo hướng tích cực. Cùng với những giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn, người đứng đầu doanh nghiệp cần nhanh chóng ra quyết định, linh hoạt ứng phó tìm hướng đi cho những tháng cuối năm 2023 và năm 2024. Doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex cần tập trung vào các trọng tâm sau:

  • Tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn đến năm 2030 gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường, khách hàng;
  • Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, tự động hóa; Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu và cung cấp thông tin dự báo thị trường dệt may; Chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng kéo dài;
  • Cập nhật thông tin liên tục, xây dựng các kịch bản điều hành, tổ chức sản xuất, kinh doanh từng tháng, quý và khi thị trường có nhiều biến động.
  • Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; có cơ chế thu hút, đãi ngộ phù hợp với những nhân sự chất lượng cao; Xây dựng bộ khung nhân sự để chủ động về nguồn nhân lực khi triển khai các dự án sản xuất kinh doanh mới; Tiếp tục tổ chức đào tạo sâu theo các nhóm ngành sản xuất May, Sợi-Dệt cũng như theo chuyên môn tài chính, nhân lực, sản xuất, kỹ thuật;
  • Nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động; chấp nhận rủi ro có cân nhắc; tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy động lực phát triển doanh nghiệp, vận dụng các giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp Vinatex…

Bài: Ông Lê Tiến Trường, Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch HĐQT Vinatex

Nguồn: Tập đoàn dệt may Việt Nam